Cẩm nang: Hướng dẫn bạn quy trình xây nhà từ A đến Z
“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba công việc được xem là hệ trọng nhất của một đời người. Trong đó, việc sở hữu, xây dựng được một căn nhà cho riêng mình luôn là điều mơ ước, mục tiêu phấn đấu của biết bao nhiêu người.
Cùng Nhà đẹp AZhome tìm hiểu cặn kẽ quy trình xây dựng một căn nhà ngay từ những bước đầu tiên như thế nào, qua bài viết dưới đây:
Bước 1: Tìm mua đất xây dựng
Tất nhiên, đây là bước đầu tiên nếu muốn xây nhà chúng ta cần phải chuẩn bị. Đây cũng là bước rất quan trọng vì lựa chọn một mảnh đất tốt đồng nghĩa với việc ngôi nhà của bạn sẽ có nền tảng vững chắc, đẹp về phong thủy lẫn thiết kế.
Để xác định một mảnh đất có đẹp hay không nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tùy theo tuổi gia chủ mà có thể lựa chọn hướng, vị trí cho phù hợp nhưng nhìn chung một mảnh đất đẹp sẽ đảm bảo các yếu tố sau đây.
- Hướng đất: Tùy theo tuổi gia chủ mà ta có thể chọn hướng co phù hợp. Ví dụ người tuổi Tý nên chọn mua nhà đất theo hướng Đông Bắc lệch về Bắc, hướng Tây Nam lệch về Tây, hướng Đông Nam lệch về Đông. Người tuổi Sửu thì nên chọn hướng chính Bắc, hướng Đông Nam lệch về Nam, hướng chính Tây…
- Vị trí: Theo quan điểm phong thủy, một mảnh đất đẹp sẽ sở hữu vị trí tụ khí, nghĩa là đất thấp ở phía trước và cao ở phía sau, được cho là sẽ đem lại cuộc sống ấm no cho gia chủ. Tương tự, mảnh đất có hướng Tây cao, hướng Đông thấp: Sẽ có nhiều phú quý.
- Hình dạng đất: Nếu bạn đang sở hữu cho mình mảnh đất có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật thì xin chúc mừng, đây được xem là các hình dạng đất rất tốt không chỉ về mặt phong thủy mà nó còn khiến cho thiết kế nhà bạn sau này trở nên dễ dàng và đẹp hơn. Ngoài ra, các mảnh đất vuông vức như vậy tất nhiên sẽ có giá trị, khả năng tăng giá cao và dễ bán hơn là các miếng đất méo mó, “đầu voi đuôi chuột”.
- Ngoài ra, còn một số lưu ý các vị trí, hướng đất xấu bạn nên tránh. Bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết sau đây: Phong thủy nhà ở: Những điều bạn cần biết khi chọn đất cất nhà
Đất nằm ngay ngã ba đường, một trong những thế đất rất xấu bạn nên tránh
Bước 2: Lập kế hoạch tài chính hợp lý
Tiếp theo, tiền chính là vấn đề bạn cần phải chuẩn bị. Không nên xem nhẹ vấn đề này, vì nếu không lập kế hoạch tài chính hợp lý thì bạn rất dễ rơi vào cảnh bị động, không kịp xoay sở khi phát sinh sự cố hoặc do dự trù, quản lý không tốt khiến chi phí xây dựng “đội giá” lên quá cao,
Về cơ bản, bạn nên chia khoản tiền dùng để xây dựng nhà thành 3 phần để dễ quản lý:
- Ước tính chi phí xây dựng cơ bản: là các chi phí cần thiết để hoàn thiện phần cứng ngôi nhà bao gồm việc sơn bên trong và bên ngoài nhà. Bao gồm: Chi phí tư vấn thiết kế + Chi phí thi công xây dựng + Chi phí giám sát
- Ước tính chi phí dự phòng phát sinh: là khoản tiền được để riêng dùng để đề phòng xảy ra các sự cố khiến phát sinh thêm chi phí xây dựng. Thông thường, bạn nên dự trù từ 10 – 30% số tiền so với chi phí xây dựng cơ bản
- Ước tính chi phí hoàn thiện nội thất căn nhà: là khoản tiền cần thiết để bạn hoàn thiện toàn bộ ngôi nhà của minh, bao gồm cả chi phí sắm sửa trang thiết bị nội thất. Khoản chi phí này có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu và tình hình tài chính thực tế. Có thể hoàn thiện dần về sau này.
Bước 3: Chuẩn bị thủ tục pháp lý
Đất đã mua, tiền cũng đã chuẩn bị sẵn sàng thì việc tiếp theo cần làm đó chính là xin cấp giấy phép xây dựng nhà. Đầu tiên, bạn cần chắc chắn mảnh đất mình chuẩn bị xây dựng đã đảm bảo đầy đủ các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại hình đất phù hợp.
Tiếp theo là bước xin giấy phép xây dựng. Bạn cần phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Phù hợp với với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch
- Thiết kế xây dựng nhà phù hợp quy hoạch
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
Tuy nhiên, thực tế ở bước này bạn không thể tự chuẩn bị xin cấp giấy phép xây dựng được, mà cần phải có một bộ hồ sơ thiết kế xin cấp giấy phép xây dựng do các đơn vị tư vấn thiết kế có tư cách pháp nhân đứng ra thực hiện giúp.
Thêm một lưu ý nữa, nếu bạn xây dựng nhà từ ba tầng trở lên hoặc có tổng diện tích xây dựng trên 300m2, đặc biệt là các nơi gần sông, kênh rạch là các khu vực có địa chất yếu, thì bạn tiến hành thăm dò địa chất khu vực để có thể thiết kế cho phù hợp cũng như tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thi công và sử dụng về sau.
Hồ sơ thiết kế là một trong các điều kiện cần thiết để xin cấp giấy phép xây dựng
Bước 4: Làm việc với các chuyên gia
Rõ ràng, trừ khi bạn làm việc trong lĩnh vực thiết kế, thi công xây dựng còn không thì tốt nhất bạn nên nhờ đến các chuyên gia để có được sự hỗ trợ tốt nhất, hoàn hảo nhất cho ngôi nhà của mình. Chọn lựa một đơn vị thiết kế chất lượng, nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp bạn rất nhiều thứ, có thể kể đến như:
- An toàn: Một đơn vị thiết kế chất lượng sẽ giúp bạn tính toán kết cấu ngôi nhà sau cho đảm bảo an toàn nhất trong quá trình thi công cũng như sử dụng về sau.
- Sở thích: Nếu bạn muốn thiết kế một ngôi nhà theo ý của mình thì các đơn vị thiết kế sẽ là người giúp bạn thể hiện điều đó ra bản vẽ thực tế.
- Phù hợp: Thiết kế nhà của bạn sẽ được đảm bảo sự hài hòa nhất với không gian, môi trường sống xung quanh, cũng như đảm bảo đầy đủ công năng tùy theo nhu cầu thực tế của bạn và gia đình.
- Tiết kiệm: Lựa chọn một đơn vị thiết kế chất lượng, uy tín là cách rất tốt giúp bạn tiết kiệm chi phí xây dựng. Các chuyên gia sẽ giúp bạn biết và dự toán được giá thành của toàn bộ căn nhà, từ tổng thể đến từng chi tiết nhỏ.
Lưu ý: Một thiết kế chất lượng phải đảm bảo các yếu tố sau đây
- Các đơn vị thiết kế phải đảm bảo tư cách pháp nhân, có chứng chỉ hành nghề
- Phần kiến trúc phải hài hòa và phù hợp
- Phần kết cấu phải đảm bảo tính an toàn
- Phần hệ thống điện được thiết kế hợp lý, tránh bị quá tải
- Các hệ thống khác như thoát nước, chống sét, cáp viễn thông… phải được lắp đặt và bố trí hợp lý
Bước 5: Chọn lựa vật liệu xây dựng
Khi tiến hành xây dựng, tốt nhất bạn nên lựa chọn các nhà thầu xây dựng trọn gói, nghĩa là họ sẽ chịu trách nhiệm luôn về vật tư cho bạn. Với các nhà thầu lâu năm, họ sẽ có nhiều mối quen biết, cũng như kinh nghiệm để giúp bạn có được nguồn vật tư giá tốt và đảm bảo chất lượng. Đương nhiên, bạn chỉ nên áp dụng phương thức này với các nhà thầu bạn có thể tin tưởng và đánh giá cao về năng lực.
Các đơn vị thầu xây dựng uy tín phải là những người nhiều kinh nghiệm, đã thực hiện nhiều công trình, cam kết thời gian thi công nhanh, đảm bảo tốt an toàn lao động, đồng thời phải đưa ra mức giá thi công hợp lý.
Còn nếu bạn tự chủ động tìm vật tư, bạn nên tham khảo nhiều ý kiến, nhất là những người đã từng xây dựng nhà trong thời gian gần đây. Đồng thời, bạn nên tiến hành khảo sát giá cả, mẫu mã, chất lượng từ nhiều nguồn ứng càng tốt để có lựa chọn tối ưu nhất.
Bên cạnh đó, ngoài đơn vị thi công, bạn cũng nên tìm cho mình người giám sát công trình, đây là người bạn có thể tin tưởng được, có chuyên môn cao. Họ sẽ trực tiếp quản lý về tiến độ và chất lượng của nhà thầu, tránh tình trạng làm gian dối, ăn bớt, chất lượng kém.
Bạn nên khảo sát giả cả, mẫu mã, chất lượng vật tư ở càng nhiều của hàng càng tốt
Bước 6: Xây dựng phần thô
Bắt tay vào quá trình xây dựng, đầu tiên chính là phần móng nhà, đây là phần hết sức quan trọng, nền tảng chịu lực cho chính căn nhà của bạn. Tiếp theo, sau khi kết thúc phần móng sẽ là thời điểm bắt đầu phần khung nhà. Một hệ khung nhà bao giờ cũng bao gồm 5 thành phần chính: cột nhà (để truyền lực xuống đất), dầm nhà (hay đà, dùng để kết nối và truyền lực xuống các đầu cột), bản sàn (hay tấm, là nơi nâng đỡ các vật thể trong nhà)…
Lưu ý: Đây là bước giúp định hình, tạo dựng bộ khung, kết cấu cho cả ngôi nhà. Vì thế, bạn cần phải chắc chắn quá trình xây dựng phải đảm bảo đúng như thiết kế. Nếu có sự sửa đổi gây ảnh hưởng đến kết cấu cần phải thảo luận trao đổi kỹ với bên thiết kế. Tuyệt đối không vì tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí mà tự rút ngắn thời gian thi công, giảm bớt vật liệu cần thiết. Điều này là cực kỳ nguy hiểm.
Bước 7: Xây dựng phần hoàn thiện
Ở giai đoạn này, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi tính kỹ thuật và thẩm mỹ cao. Giai đoạn hoàn thiện bao gồm các công việc như trát tường, láng sàn, ốp lát gạch, sơn bả tường, lắp đặt hệ thống kỹ thuật điện, cấp thoát nước, điện thoại, chống sét, … Vì đây là bước ảnh hưởng đến thẩm mỹ ngôi nhà nên cần chú ý làm cẩn thận. Lựa chọn các vật liệu tốt, chất lượng, bền với thời gian.
Công tác lắp điện, nước, ngoài việc đảm bảo thẩm mỹ, cần chú ý đến tính an toàn và tiện
lợi. Chúng phải được thực hiên song song trong quá trình thi công phần thô và phần hoàn thiện.
Đây cũng là bước bạn sẽ thực hiện công đoạn sơn cả bên trong và bên ngoài ngôi nhà. Bạn nên chú ý lựa chọn loại sơn phù hợp với vói từng khu vực, mục đích sử dụng. Sơn nước được sử dụng phổ biến hơn với ưu điểm tiện dụng và không gây độc hại cho sức khoẻ và môi trường.
Với mặt ngoài ngôi nhà, nên chọn các loại sơn bền màu, chống thấm tốt, ổn định với sự thay đổi của môi trường
Bước 8: Kiểm tra và nghiệm thu
1. Kiểm tra:
Bước kiểm tra cần được tiến hành trong suốt thời gian xây nhà. Bao gồm việc kiểm tra khối
lượng, chất lượng, quy cách, kiểu dáng. Khi công trình hoàn thành và trước khi bàn giao, chủ nhà nên cùng giám sát và chủ thầu kiểm tra, đối chiếu lại cùng bản vẽ và những nội dung phát sinh thật chi tiết. Kiểm tra theo từng hạng mục thi công
2. Nghiệm thu:
Việc nghiệm thu phải được thực hiện đối với từng công việc, từng bộ phận, từng hạng mục công trình theo quy định của pháp luật. Các bộ phận bị che khuất của công trình phải được nghiệm thu và vẽ bản vẽ hoàn công trước khi tiến hành các công việc tiếp theo. Những giấy tờ này cũng là cơ sở pháp lý để xin hoàn công sau đó.
3. Hoàn công:
Thủ tục hoàn công, hay thủ tục hoàn tất thi công là một phần quan trọng nhất để được cấp sổ hồng. Hồ sơ hoàn công sẽ được làm theo quy định và nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Nhà thầu thi công sẽ là người có trách nhiệm thay chủ đầu tư thực hiện công việc này.
Hồ sơ xin xác nhận công trình hoàn công (thủ tục hoàn công) bao gồm:
- Giấy báo kiểm tra công trình hoàn thành theo mẫu (1 bản chính).
- Giấy phép xây dựng nhà ở (1 bản sao y có chứng thực sao y), kèm theo bản vẽ thiết kế xây dựng – nhà (1 bản sao không cần chứng thực sao y).
- Bản vẽ hiện trạng hoàn công (2 bản chính).
- Bản hợp đồng thi công với đơn vị có giấy phép hành nghề (1 bản sao) kèm 1 bản sao giấy phép – hành nghề của đơn vị thi công (có thị thực sao y). Hoặc biên lai thu xây dựng.
Ngoài những thông tin ở trên, bạn cũng có thể tải về Hướng dẫn quy trình xây nhà từ A – Z thông qua tài liệu Rever biên soạn dưới đây:
Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👉